Trái đất đang nóng lên do gia tăng hiệu ứng nhà kính. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó lại là nguồn năng lượng không tái tạo. Đồng thời, các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần dần cạn kiệt. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo là một nhu cầu tất yếu
Tiềm năng
Theo báo cáo của các Tổ chức Khí tượng và Môi trường Liên Hợp quốc, nồng độ CO2 trong khí quyển – nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu đã liên tiếp xác lập kỷ lục trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục tăng.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra tiềm năng năng lượng xanh thay thế hay năng lượng tái tạo (NLTT) đa dạng của Việt Nam. Bức xạ mặt trời chiếm khoảng 2.000 – 5.000 giờ/năm đem lại nguồn năng lượng với tiềm năng tương đương 43,9 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi). Trong khi đó, 8,6% tổng diện tích lãnh thổ nước ta có tiềm năng gió ở mức cao đến rất cao, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và phù hợp triển khai các tua bin gió lớn.
Nhờ những cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào NLTT những năm gần đây, dự kiến công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 này sẽ đạt 2.000MW, vượt kế hoạch đặt ra trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Còn theo báo cáo của Ban kinh tế Trung ương, năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cung cấp 2/3 nhu cầu điện của toàn bộ hệ thống điện của Việt Nam vào năm 2030. Đáng chú ý, việc tăng tỷ trọng của NLTT sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bền vững nhờ giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước ngoài, cả về than và nhập khẩu năng lượng trực tiếp.
Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, nền kinh tế nông nghiệp mạnh mẽ, do đó tạo ra các điều kiện đa dạng và phong phú để khai thác và sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học.
Một dự án đáng chú ý trong năm nay là trang trại năng lượng mặt trời BIM tại Ninh Thuận, được phát triển bởi Tập đoàn BIM của Việt Nam hợp tác với AC Energy có trụ sở tại Phillipines. Trang trại năng lượng mặt trời bao gồm ba cơ sở với công suất kết hợp 330MW, là cơ sở lớn nhất của loại hình này ở Đông Nam Á, theo BIM Group.
Cần có lộ trình phát triển phù hợp
Để khuyến khích phát triển NLTT, phục vụ các mục tiêu phát triển, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối…
Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… Đây là bước tiến mới nhất cho sự nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm hỗ trợ ngành NLTT.
Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các nguồn NLTT trong thời gian qua vẫn đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời)…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, NLTT là năng lượng từ những nguồn liên tục như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Để phát triển NLTT cần phân tích, tính toán để đưa ra lộ trình nhằm khai thác một cách hiệu quả các dự án theo từng giai đoạn của Việt Nam. Đồng thời, xem xét tới khả năng phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị NLTT để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành…
Dưới góc nhìn của đơn vị nghiên cứu, tư vấn thị trường, ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc của Jones Lang Lasalle Việt Nam nhận định: Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý lý tưởng cho việc sản xuất các loại NLTT. Nhưng, Việt Nam lại đang phải đối mặt với những áp lực lên mạng lưới điện và giá điện dự kiến sẽ tăng do sự gia tăng trong các hoạt động phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Chính vì vậy mà việc đầu tư vào các lĩnh vực thay thế như NLTT sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Chiến lược phát triển NLTT cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.
Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020